Ngày 16/03 và 16/11 (AL) Ngày Lễ Hội Gò Tháp
Khu di tích Gò Tháp thuộc ấp 4 xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp, cách huyện lỵ Tháp Mười khoảng 11km về phía Bắc, cách thị xã Cao Lãnh về hướng Ðông Bắc 28 km theo đường chim bay), 43 km (theo đường bộ và đường thủy).Vào ngày 16/3 và 16/11 âm lịch.Ở Xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Lễ hội Gò Tháp là một lễ hội lớn và quy mô nhất của người dân vùng Đồng Tháp Mười. Lễ hội Gò Tháp đã trở thành một lễ hội tầm cỡ ở các tỉnh Nam Bộ. Cứ mỗi độ lễ hội, dường như nhịp sống của người dân huyện Tháp Mười cũng khác đi, cũng hối hả, nhộn nhịp theo từng đoàn khách thập phương từ các nơi lũ lượt kéo về với đủ mọi phương tiện : tàu, ghe, xe lam, xe khách… bình quân trên, dưới năm mươi nghìn người mỗi kỳ.Về dự lễ hội đặc sắc Gò Tháp, trước hết bạn có thể thăm các di tích cổ : Gò Tháp Mười, Tháp Cổ tự, miếu Bà Chúa Xứ… sau đó còn được hoà mình vào không khí lễ hội dân gian, được thưởng thức các hoạt động văn hoá nghệ thuật. Hai lễ hội đầu và cuối năm ở Gò Tháp đều tấp nập hàng chục ngàn du khách từ TP.HCM và các tỉnh lân cận về đây cầu tài, cầu lộc và hành hương đi lễ. Từ chiều 14 đến rạng sáng 16 tháng 3 âm lịch là lễ hội tưởng niệm Bà Chúa Xứ, tương truyền là nguời có công lao khai phá, tạo dựng và phát triển vùng này. Từ chiều 14 đến rạng sáng 16 tháng 11 âm lịch là lễ tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Dương (Võ Duy Dương) và Đốc binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều), những thủ lĩnh nghĩa quân đã kiên cường chống thực dân Pháp đến xâm lược hồi nửa cuối thế kỷ 19.
Lễ hội ở Gò Tháp có hai phần rõ rệt: phần nghi thức cúng lễ và phần hội hè. Ngoài các lễ cúng chính trong mỗi kỳ hội như cúng bà Chúa Xứ, cúng Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều còn cử hành một số lễ phụ khác như: lễ cầu an, cúng Thần nông, lễ thỉnh sinh… Mỗi nội dung lễ cúng có nghi thức hành lễ không giống nhau nhưng có nét chung nhất là đều có bài văn tế do bô lão chánh bái vừa đọc vừa diễn. Kèm theo là các tiết mục lễ nghi phụ họa như: dàn nhạc lễ réo rắt, dâng trà, rượu, hương. Nội dung văn tế là ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân hay cầu khẩn đất trời, cho “quốc thái, dân an”, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… Trong phần hội hè, những tiết mục như múa hát, trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật rất phong phú làm cho con người quên đi những vất vả của cuộc sống thường nhật để tìm đến với nhau trong nỗi đồng cảm hướng về cái thiện.
Leave a Reply